36 Trò chơi vận động cho trẻ mầm non được các trường quốc tế áp dụng nhiều nhất

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non có vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện của bé. Trong rất nhiều trò chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ, Busy Bees sẽ giới thiệu đến ba mẹ một số trò chơi vận động được các trường quốc tế áp dụng nhiều nhất.

1. Lợi ích của trò chơi vận động cho trẻ mầm non

Phát triển thể chất: Tham gia vào các hoạt động vận động sẽ phát triển cơ bắp, tăng cường sức đề kháng, tăng sự dẻo dai và sự linh hoạt.

Phát triển kỹ năng: Trò chơi vận động giúp trẻ mầm non phát triển kỹ năng cơ bản như đi, chạy nhảy, các động tác phối hợp giữa tay chân nhanh nhẹn và nhạy bén hơn. Các kỹ năng này là tiền đề cho việc phát triển các trò chơi vận động phức tạp hơn.

Kích thích não bộ phát triển: Ngoài lợi ích sức khỏe, tăng cường thể lực, vận động hỗ trợ não bộ trẻ hoạt động hiệu quả, tăng liên kết thần kinh, phát triển trí thông minh.

tro choi van dong cho tre mam non
Trò chơi vận động cho trẻ mầm non giúp bé phát triển toàn diện. 

Gợi mở tư duy logic và sáng tạo: Trò chơi mầm non thường kích thích trẻ tưởng tượng và sáng tạo. Các em bé có thể tự mình tạo ra các trò chơi, tìm cách vượt qua thử thách.

Rèn luyện kỹ năng xã hội: Trong khi tham gia vào các hoạt động vận động nhóm, trẻ mầm non học cách làm việc theo đội, nhóm. Trẻ biết chia sẻ, hợp tác và tôn trọng bạn bè. Điều này giúp trẻ phát triển những kỹ năng xã hội quan trọng ngay từ khi còn nhỏ.

Tạo năng lượng tích cực: Hoạt động vận động giúp trẻ mầm non giải tỏa năng lượng và giúp bé sảng khoái hơn. Sau mỗi trò chơi vận động sẽ giúp cải thiện tâm trạng của trẻ và tạo ra một tinh thần tích cực, vui vẻ.

2. Top các Trò chơi vận động cho trẻ mầm non 3 – 4 tuổi vui nhất

2.1. Bịt mắt bắt dê

Trò chơi dân gian nói chung và bịt mắt bắt dê nói riêng thường không giới hạn số lượng người tham gia, tuy nhiên để trò chơi diễn ra rộn ràng hơn thì số lượng thành viên nên từ 3 – 15 người. Người tham gia nên đồng trang lứa để thêm công bằng hơn cho trò chơi. 

Cách chơi:

Trước khi vào cuộc chơi, thường sẽ phân chia để xem ai là người bịt mắt và ai là người trốn để không bị bắt. 

Người bịt mắt: Sẽ dùng vải để che mắt, không được ti hí trong quá trình chơi và tìm kiếm xung quanh, bắt lấy một ai đó và đoán trúng tên của người đó. 

Người làm dê: Cần luồn lách để không bị người bịt mắt bắt. Không được chạy ra khỏi khu vực được phân chia từ trước. 

Bạn nào bị bắt và đoán trúng tên đầu tiên sẽ là người thua cuộc.

moi tro choi mam non deu giup tre phat trien ky nang xa hoi
Mỗi trò chơi mầm non đều giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội.

2.2. Chuyền bóng

Luật chơi: Trẻ nào làm rơi bóng thì phải ra ngoài một lần chơi.

Chuẩn bị từ 2 đến 3 quả bóng rồi cho trẻ đứng thành vòng tròn. Có thể chia thành nhiều vòng tròn nếu lớp đông.

Cứ một nhóm 03 – 05 trẻ thì có một quả bóng. Khi có lệnh “bắt đầu” thì trẻ nào cầm bóng đầu tiên sẽ chuyền bóng cho bạn bên cạnh, cứ thế lần lượt theo chiều kim đồng hồ. Vừa chuyền vừa hát theo nhịp:

“Không có cánh
Mà bóng biết bay
Không có chân
Mà bóng biết chạy
Nhanh nhanh bạn ơi
Nhanh nhanh bạn ơi
Xem ai tài, ai khéo
Cùng thi đua nào.”

Có thể chia làm 2 hoặc 3 nhóm và thi đua cùng nhau, nhóm thắng cuộc là nhóm có ít bạn làm rơi bóng nhất.

Kéo co

Luật chơi: Đội nào kéo dây của đối phương qua khỏi vạch quy định sẽ là đội thắng cuộc.

Chia làm 2 đội, mỗi đội nên ít nhất 5 thành viên và phải cân sức (vừa có bé nam, vừa có bé nữ, vừa có bé mập, vừa có bé ốm).

Kẻ 1 vạch mức giữa hai đội. Hai đội đứng hai bên mang bao tay bảo hộ an toàn. Sợi dây được cột chiếc khăn ở giữa làm cột mốc và được đặt tại vạch mức. Trọng tài đứng ở giữa vạch xuất phát, cầm cờ và hô to 1…2…3 bắt đầu thì hai đội chơi bắt đầu kéo.

Hai đội dùng hết sức kéo dây về phía đội mình. Đội nào kéo được điểm mốc đánh dấu trên dây về phía mình thì đó là đội chiến thắng.

Trò chơi kéo co thường diễn ra từ 5 – 10 phút và hai đội phải thi đấu 3 lượt để phân thắng bại.

Bập bênh

Bập bênh là trò chơi gắn liền với tuổi thơ và được các em bé rất yêu thích. Trò chơi giúp bé can đảm hơn, dám chinh phục thử thách.

Trước đây khi trẻ chơi bập bênh thường sẽ ngân nga bài đồng dao:

“Bập bênh bập bênh

Tôi lên, bạn xuống

Trời cao đất rộng

Nhịp nhàng thay nhau….”

Ngày nay, mặc dù trẻ không hát đồng dao nhưng vẫn ngân nga những bài hát trẻ thơ làm tăng thêm sự đáng yêu, dễ thương cho các em bé. 

Trò chơi bập bênh không chỉ là tuổi thơ của các em mà nhiều người lớn vẫn nhắc nhớ lại kỷ niệm bằng trò chơi này trong những lần dạo chơi trong công viên hay ở những khuôn viên giải trí.

2.3. Ếch ở dưới ao

Trò chơi này sẽ giúp trẻ nhanh nhẹn, khéo léo và linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, thông qua trò chơi, bé cũng có thể học thêm về đặc tính và môi trường sinh sống của những chú ếch con.

Chuẩn bị trò chơi: Một cái que nhỏ hoặc một cần câu đồ chơi. Nhóm bạn nhỏ khoảng 10 người trở lên

Cách chơi:

  • Vẽ một vòng tròn lớn ở trên sân để làm ao. Các bạn nhỏ sẽ đứng trong vòng tròn làm ếch.
  • Cho một bé đứng cách vòng tròn khoảng 3 – 4 mét, tay cầm một cái que nhỏ giả làm người đi câu ếch. Khi nghe tiếng vỗ tay báo hiệu trò chơi thì những “chú ếch” bắt đầu hát: 

“Ếch ở dưới ao
Vừa ngớt mưa rào
Nhảy ra bì bọp
Ếch kêu ộp ộp”

Những “chú ếch” từ trong ao vừa hát vừa nhảy ra ngoài vòng tròn để lên bờ. Khi đó, bé đi câu sẽ đuổi theo, dây câu chạm vào vai bé nào thì bé ấy phải thay thế vai người đi câu ếch.

2.4. Nhảy lò cò

Nhảy lò cò là một trò chơi tập thể theo lượt từng người một, nên không giới hạn người chơi. Tuy nhiên, nên chơi tối đa 5 người chơi trên một ô chơi để tránh phải chờ đợi quá lâu.

Diện tích các ô vuông đủ rộng để một người chơi có thể đứng cả hai chân vào trong hoặc một lần bật nhảy có thể chuyển sang được ô khác liền kế. 

Cách chơi: 

Kẽ làm 7 ô vuông. Mỗi người chơi dùng 1 vật để thảy vào ô. Người chơi nào đi hết vòng thì cất nhà và được đi tiếp cho đến khi mất lượt. Trong quá trình chơi nếu đạp trúng vạch kẽ hay thảy đồ vật ra ngoài thì người chơi đó mất lượt và đến phiên người chơi khác.

Đây là trò chơi không những giúp vận động linh hoạt, tăng sự dẻo dai mà còn kích thích não bộ tư duy logic tính toán làm sao để trở thành người chiến thắng.

2.6. Bắt vịt

Đây là trò chơi gần giống với trò “ếch ở dưới ao”.

Cách chơi:

Giáo viên vẽ 1 vòng tròn to làm ao để trẻ đứng vào bên trong, đóng vai đàn vịt. Chọn 3 đến 5 bé làm người chăn vịt đứng ngoài vòng tròn.

Khi người chăn vịt gọi: “vịt, vịt vịt” và vẫy tay gọi thì các con vịt lên bờ, ra khỏi vòng tròn tiến về người chăn vịt. Khi vịt đến gần, giáo viên ra hiệu lệnh: “Bắt vịt con” thì người chăn vịt đuổi theo để bắt vịt.

Các con vịt phải chạy nhanh xuống ao, vừa chạy vừa kêu: “Cạp, cạp, cạp”.

Luật chơi: Trẻ chỉ được bắt vịt ở ngoài vòng tròn. Ai đập được vào vai trẻ coi như bắt được vịt. 

2.7. Mèo đuổi chuột

Mèo đuổi Chuột được mô phỏng theo việc loài mèo bắt chuột. Không như các trò chơi đuổi bắt thông thường bé chạy tự do, trò chơi mèo bắt chuột còn có những lỗ chui, ngã rẽ mô phỏng cho những hang, đường đi mà những con chuột hay trốn vào.

Trò chơi vừa yêu cầu các bé phải có sự tương tác, vừa phải cổ vũ hưởng ứng tinh thần nên sẽ tăng tính đoàn kết, đồng đội. Trò chơi giúp cho các bé vận động và có thêm yếu tố bất ngờ nên là một lựa chọn phù hợp khi cần tổ chức trò chơi cho các bé.

trò chơi vận đông mầm non 4-5 tuổi
Trò chơi vận động mầm non phù hợp với từng độ tuổi

2.8. Trồng nụ trồng hoa

Các bé sẽ chia làm hai phe bằng cách oẳn tù tì. Bên thua cử hai người trồng nụ trồng hoa cho đội thắng nhảy qua. Hai người ngồi đối diện, hai chân áp vào nhau thẳng đứng.

Đội bạn nhảy qua canh một thì nói “đi canh một”, lượt về thì nói “về canh một”. Bạn chơi giỏi nhất sẽ đóng vai mẹ và nhảy đầu tiên dẫn cả đội nhảy qua. Cứ như vậy trồng nụ trồng hoa ngày càng cao hơn đòi hỏi đội chơi phải nhảy cao, vượt qua được ‘hàng rào” trồng nụ và hoa. 

2.9. Chơi chuyền (banh đũa)

Trò chơi dân gian chơi chuyền đòi hỏi người chơi phải nhanh nhẹn khi chuyền bóng và nhặt que. Chơi chuyền là trò chơi tương đối đơn giản, chỉ cần một góc nhỏ, đủ chỗ cho từ 2 đến 5 bạn cùng chơi.

Cùng oẳn tù tì ai là người thắng cuộc sẽ được chơi trước. Người chơi cầm quả bằng tay phải, tung lên không trung và nhặt que (theo thứ tự từ bàn một đến bàn mười). Trong quá trình chơi, vừa kết hợp tung quả chuyền lên, nhặt que, đón quả chuyền, vừa hát những câu thơ phù hợp với từng bàn, từng chặng. Ai chơi đến bàn cao nhất sẽ là người chiến thắng.

2.10. Chơi hái táo

Đây là trò chơi phù hợp cho các em bé nhỏ, từ 3 đến 5 tuổi.  

Cách chơi: Giáo viên sẽ làm cây táo. Mỗi tay cô cầm một quả táo. Tay làm cành rung rung theo gió. Khi giáo viên nói: “táo chín rồi”. Trẻ sẽ với tay “hái táo”. Trẻ nào hái được táo rồi, phải tả cho các bạn khác về một số đặc điểm của quả hái được (màu sắc, có cần phải bóc vỏ không, quả có hạt hay không, ngọt hay chua…).

Giáo viên có thể thay quả táo bằng nhiều quả khác giúp các em nhận biết, diễn đạt tốt được đặc điể của các loại trái cây.

3. Top các Trò chơi vận động cho trẻ mầm non 5- 6 tuổi vui nhất

3.1. Chạy tiếp sức

Với mong muốn giúp trẻ rèn luyện sức khoẻ, sức bền bỉ, đồng thời phát triển kỹ năng phối hợp tập thể khéo léo, các trường mầm non thường tổ chức hoạt động vui chơi “chạy tiếp sức” cho trẻ.

Giáo viên sẽ chia các bé thành 3-4 đội bằng nhau. Mỗi đội xếp thành hàng dọc cách nhau 1 sải tay. Phía trước khoảng 3-4m cắm 1 lá cờ. Khi có hiệu lệnh của trọng tài, trẻ đứng đầu hàng bắt đầu xuất phát, sau đó chạy vòng qua lá cờ chạy về rồi chạm tay với bạn kế tiếp. Thực hiện cho đến người cuối cùng. Đội nào hoàn thành trước, ít phạm quy là đội thắng cuộc.

truong busy bees tang cuong tro choi van dong cho tre
Trường Busy Bees tăng cường trò chơi vận động cho trẻ.

3.2. Bữa tối của Sói

Các bé sẽ đứng thành một vòng tròn tương ứng với thời gian đồng hồ. Một bé được chọn làm “sói” và đứng ở giữa vòng tròn. Khi giáo viên gọi ngẫu nhiên một thời gian nào đó, sói sẽ đuổi bắt bạn đó. Bé nào bị sói bắt được sẽ trở thành sói trong lượt tiếp theo.

Trò chơi này đòi hỏi sự tập trung và nhanh nhẹn của bé để thoát khỏi chú sói.

3.3. Nhảy sạp

Nhảy sạp là 1 trò chơi phổ biến tại các vùng núi, có sức hút mạnh mẽ và dễ lôi cuốn nhiều người tham gia.

Giáo viên sẽ đặt hai sạp cách nhau với một khoảng cách nhất định sau đó gác hai đầu với những cây sạp con đặt song song với nhau cứ như vậy xếp thành một hàng dài. Khoảng cách giữa các cây sạp khoảng 20 cm giúp cho các bé nhảy được dễ dàng. Các bé sẽ cùng nhảy nhịp nhàng theo điệu nhạc núi rừng Tây Bắc.

Thông qua hoạt động trải nghiệm này, các bé rèn luyện được sức khỏe, nhạy cảm với âm nhạc, có sự phối hợp khéo léo của đôi bàn chân, cũng như sự kết hợp nhịp nhàng cùng các bạn để nhảy đồng đều và đẹp mắt.

3.4. Ném lon

Cách chơi: Chuẩn bị những quả banh nhỏ và một số lon sữa bò hoặc lon nước ngọt. Các lon xếp lên nhau theo hình tháp. Vẽ đường vạch cách tháp lon khoảng 1 đến 2 mét.

Chia cho mỗi đội hai đến ba trái banh. Đội nào chọi hết số banh và có số lon ngã nhiều hơn là thắng. Đội nào đứng ném lon mà chân chạm vạch mức là phạm luật.

3.5. Đánh trống cướp cờ

Trò chơi này còn giúp trẻ rèn luyện nhiều kỹ năng sống, phát triển tốt thể chất và trí tuệ. Trò chơi nên tổ chức ngoài trời. Trống và dùi trống đặt tại vạch đích. Cờ đặt tại vạch đích

Tất cả các thành viên chia thành 2 đội, đứng theo hàng dọc tại vạch xuất phát. Chia lượt chơi cho từng thành viên của 2 đội theo thứ tự xếp hàng.

Khi giáo viên phát tín hiệu trò chơi bắt đầu, lần lượt từng bé của 2 đội chạy nhanh về vạch đích, dùng dùi trống đánh trống và rút 1 lá cờ chạy quay trở lại vạch xuất phát. Tiếp tục lượt chơi tiếp theo. Bé nào làm rơi cờ không được tính lượt chơi và phải xếp vào cuối hàng đội mình chơi lại. Đội nào hoàn thành tất cả lươt chơi đúng luật nhanh nhất là đội chiến thắng. 

3.6. Đua thuyền trên cạn

Chia trẻ thành các nhóm nhỏ (mỗi nhóm 5 – 7 bé). Giáo viên cho trẻ ngồi thành hàng dọc theo từng nhóm, trẻ ngồi sau cặp chân vào hết vòng bụng của trẻ ngồi trước thành một chiếc thuyền đua.

Khi nghe hiệu lệnh của giáo viên, các thuyền đua dùng sức hai tay và lực của các bạn trong nhóm nâng cơ thể lên và tiến về phía trước cho đến đích.

Trò chơi này đòi hỏi tính đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng để các thành viên không tách rời.

3.7. Ném trúng đích bằng 1 tay

Đây là trò chơi rèn luyện sự nhanh nhẹn khéo léo cho trẻ. Đồng thời giúp phát triển thể lực, các cơ tay, cơ vai cho trẻ.

Tư thế chuẩn bị đứng chân trước chân sau tay cầm đồ vật cùng chiều với chân sau, khi có hiệu lệnh đưa đồ vật ngang tầm mắt, nhắm đích và ném. Nếu bé ném trúng đích hoặc gần với tâm đích nhất là người chiến thắng.

3.8. Đua xe chòi chân

Các bé tham gia chia thành các đội, mỗi đội 5-7 bé, xếp hàng dọc tại vạch xuất phát. Mỗi đội được chuẩn bị 1 xe chòi chân đặt tại vạch xuất phát.

Khi có hiệu lệnh bắt đầu, thành viên đầu tiên của mỗi đội chơi lên xe và tích cực di chuyển nhanh về vạch đích. Trên đường di chuyển cần vượt qua chướng ngại vật. 

Hết lượt chơi thứ 1, trẻ vòng xe về vạch xuất phát và lượt chơi thứ 2 bắt đầu. Trò chơi tiếp tục như vậy đến khi tất cả các bé của đội hoàn thành lượt chơi. Đội nào hoàn thành trong thời gian sớm nhất là đội giành chiến thắng. 

3.9. Bịt mắt đánh trống

Trò chơi giúp rèn luyện trí nhớ, khả năng suy đoán.

Chia lớp thành 2 đội, xếp thành hàng dọc đứng trước trống, số lượng các đội bằng nhau, để trống cách đội chơi 1 – 2 mét. Dùng khăn bịt mắt người chơi của các đội, mỗi người cầm sẵn 1 dùi trống. Khi có hiệu lệnh chơi, các đội lần lượt từng người tiến lên, gõ vào trống của đội mình.

Mỗi bé chỉ được gõ 1 lần. Không gõ nhầm sang trống của đội khác. Đội nào gõ được nhiều tiếng trống trong 1 thời gian nhất sẽ là đội thắng cuộc.

3.10. Nhảy bao bố

Trò chơi nhảy bao bố là trò chơi yêu thích phổ biến cho cả người lớn và trẻ em. Người chơi chia làm 2 đội trở lên, mỗi đội phải có số người bằng nhau. Mỗi đội xếp thành một hàng dọc trước mức xuất phát, bước vào trong bao bố hai tay giữ lấy miệng bao.

Tùy theo thể lực và khuôn viên mà ban tổ chức vẽ vạch đích xa hay gần (thông thường là 10m). Sau khi nghe lệnh xuất phát, người đứng đầu mỗi đội sẽ nhảy đến đích; khi người thứ nhất nhảy về đến đích thì người thứ 2 tiếp theo mới bắt đầu nhảy.

Cứ như vậy lần lượt đến người cuối cùng; đội nào có tất cả thành viên về trước thì đội đó thắng.

3.11. Rồng rắn lên mây

Đây là trò chơi với những câu ca đồng dao quen thuộc, rất phổ biến dành cho trẻ mầm non.

Trò chơi có hai nhân vật chính là ông chủ và tất cả những người còn lại sẽ đóng vai là rồng rắn, trong đó có một người đi đầu, thường sẽ chọn những thành viên khỏe mạnh và lanh lẹ nhất để bảo vệ cho các thành viên sau. Các thành viên sẽ nối nhau tạo thành một một dãy các mắt xích.

Ông chủ sẽ đứng yên tại một vị trí sau đó giao lưu cùng với lại đoàn trong rắn qua bài đồng dao. Sau đó đoàn rồng rắn sẽ bám đuôi nhau thay phiên nhau trả lời những câu hỏi của ông chủ.

Bài đồng dao sẽ bắt đầu bằng những câu: 

“Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Có nhà hiển binh

Có ông chủ ở nhà hay không?”

Khi hát đến chữ cuối cùng cả đoàn rồng rắn khi đó sẽ dừng lại trước mặt ông chủ, để hỏi xem ông chủ có nhà không? Nếu ông chủ trả lời không thì tiếp tục bài đồng dao và hỏi đến khi ông chủ trả lời có. Khi đó, ông chủ muốn gì sẽ đáp ứng điều đó, và nếu ông chủ muốn chọn khúc nào sẽ đuổi theo để lấy. Người đứng đầu và các thành viên khác có nhiệm vụ bảo vệ khúc mà ông chủ muốn lấy.

Đây là trò chơi vui, mang tính đồng đội và không đặt nặng vấn đề thắng thua.

3.12. Giả làm tượng

Tập trung tất cả các bé lại thành một nhóm và bật nhạc lên cùng nhún nhảy. Người quản trò sẽ tắt nhạc đột ngột. Khi nhạc dừng, tất cả các bé đều phải bất động. Nếu bé nào còn cử động, sẽ bị loại ra khỏi nhóm, người cuối cùng sẽ là người chiến thắng trong trò chơi.

3.13. Trán – Cằm – Tai

Giáo viên hoặc người quản trò sẽ hát hoặc đọc: “Trán cằm tai, trán cằm tai, chán tai tai cằm tai, chán tai tai cằm tai”.

Giáo viên đọc hoặc hát tới đâu thì các bé phải chỉ vào cơ thể mình cho đúng với lời (trán cằm tai) tốc độ từ chậm đến nhanh. Ai sai bị phạt. Có thể biến tấu mọi bộ phận cơ thể như: gối đầu mông hoặc trán bụng lưng…

4. Các trò chơi vận động cho trẻ mầm non tập thể thú vị khác

Ngoài các trò chơi cho trẻ nhóm tuổi lớp lá như trên, còn rất nhiều trò chơi vận động mầm non 3-4 tuổi thú vị dành cho các bé phát triển thể chất và vận động.

Một số trò chơi tập thể khác được các bé thích thú như: Ném bóng vào rổ; Chiếc ghế diệu kỳ; Cùng nhau nối chữ; Dung dăng dung dẻ…

Các trò chơi này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kĩ năng một cách tự nhiên. Trong đó, các trò chơi mang tính tập thể cho trẻ mầm non luôn được nhà trường ưu tiên nhằm giúp các bé có sự gắn kết, có tinh thần đồng đội và kỹ năng phối hợp nhóm.

5. Giới thiệu Trường Mầm Non Quốc Busy Bees Global Preschool chuẩn Anh Quốc

Với triết lý “Lấy trẻ làm trung tâm”, môi trường học tập, vui chơi tại Busy Bees được thiết kế tỉ mỉ để kích thích giác quan và nuôi dưỡng sự sáng tạo của trẻ, phục vụ nhu cầu học tập, khám phá liên tục, mọi lúc mọi nơi của trẻ.

tro choi mam non giup tre phat trien ky nang
Trò chơi mầm non giúp trẻ phát triển kỹ năng làm việc nhóm.

Giai đoạn tiền tiểu học là một phần bắt buộc trong giáo dục tiểu học tại Anh Quốc, giúp các bé chuẩn bị sẵn sàng kiến thức và kỹ năng với hình thức “học thông qua chơi” (Play – based learning).

Đây là một trong những phương pháp giáo dục mầm non hiệu quả, giúp bé có cơ hội học hỏi và khám phá mọi thứ thông qua các hoạt động ngoại khóa, vui chơi.

Play – based learning áp dụng tại Trường Mầm non Quốc tế Busy Bees cũng là một trong những phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến bậc nhất của thế kỷ 21 với nhiều ưu điểm vượt trội như:

  • Thông qua các trò chơi lồng ghép kiến thức, kỹ năng khéo léo. Bé có cơ hội quan sát, khám phá, tìm tòi và phát huy trí tưởng tượng của mình.
  • Các trò chơi cho bé cơ hội rèn luyện thể chất, tăng sức đề kháng và trở thành những đứa trẻ vui vẻ, khỏe mạnh.
  • Các trò chơi cần sử dụng nhiều giác quan, do đó bé được rèn luyện khả năng quan sát, ghi nhớ, vượt qua thử thách.
  • Play-based learning mang lại cho bé sự sáng tạo theo cách riêng của mình, đồng thời dạy bé tư duy để hoàn thành trò chơi một cách nhanh nhất.
  • Giúp bé phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngôn ngữ và thực hành các kỹ năng xã hội như phối hợp, chia sẻ, trách nhiệm và tương tác nhóm.
  • Nhìn chung, học theo phương pháp Play-based learning mang lại cho bé những giờ học lý thú và đầy bổ ích.

Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà các trường mầm non tổ chức rất nhiều hoạt động trải nghiệm, trò chơi vận động cho trẻ mầm non. Trò chơi vận động thường dễ chơi, dễ hoà nhập, bất cứ nơi đâu như: trong lớp, ngoài sân, lễ hội… Theo đó, thông qua các trò chơi vận động, tinh thần trẻ sảng khoái, vui vẻ hơn. Bé sẽ hoạt bát, nhanh nhẹn và tự tin hơn. Đây là những tốt chất, kỹ năng rát cần thiết cho trẻ trong hành trình trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Head office: 028 3535 6832
Tuyển sinh/ Tham quan: 085 331 3868

 Busy Bees Global Preschool – Quận 2, Thành phố Thủ Đức

  • Tòa nhà Feliz en Vista, Số 01 Phan Văn Đáng, P. Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Thủ Đức.

Busy Bees Global Preschool – Gò Vấp

  • Số 119 Nguyên Hồng, Phường 1, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

Busy Bees Global Preschool – Cầu Giấy, Hà Nội.

  •  Số 02 Nguyễn Thị Thập, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy.

3.7/5 - (4 bình chọn)